Bơi là môn thể thao dưới nước, vừa giải trí vừa giúp phát triển cơ thể toàn diện. Tuy nhiên, khi đi bơi cũng có những lưu ý cần tránh để đảm bảo an toàn trong khi bơi lội. Cùng Kickfit Sports tìm hiểu cách để giữ an toàn khi đi bơi nhé!
Lưu ý khi đi bơi – Khởi động trước khi bơi
Trước khi bơi, cần thời gian từ 10 – 30 phút tập các bài tập khởi động chân, tay, đầu gối. Để cơ thể thư giãn, khi bơi sẽ bắt kịp các động tác, tránh tình trạng chuột rút, căng cơ trong khi đang bơi lội. Việc khởi động trước khi bơi còn để làm ấm cơ thể, thân nhiệt không bị thay đổi đột ngột. Bởi khi xuống nước sẽ lạnh hơn khi đang ở trên cạn. Việc thân nhiệt bị thay đổi đột ngột sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tim mạch.
Bổ sung nước cho cơ thể cũng là điều cần lưu ý
Nhiều người lầm tưởng, bơi lội trong môi trường nước thì không cần bổ sung nước cho cơ thể. Điều này là hoàn toàn sai. Khi tập luyện bơi lội, cơ thể người tập phải vận động liên tục, cơ thể vẫn bị mất nước và có cảm giác khát. Chính vì thế mà chúng ta không được bỏ qua việc bổ sung nước cho cơ thể trước và trong khi bơi lội. Hãy luôn chuẩn bị sẵn 1 bình nước bên cạnh mình đi bơi nhé!
Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ hỗ trợ việc tập luyện
Bơi lội hay bất kì môn thể thao nào cũng vậy. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết khi bơi để đảm bảo an toàn cho bản thân. Đặc biệt trong môi trường nước thường xảy ra những tai nạn không may. Áo phao là dụng cụ không thể coi thường nếu như bạn đang tập hoặc mới biết bơi, hay khi bơi ngoài biển lớn. Ngoài ra, trang bị thêm kính mắt, mũ bơi và lựa chọn trang phục thoải mái để bảo vệ bản thân mình. Khi bơi ngoài trời hãy nhớ sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da của bạn dưới tác động của tia UV nếu bạn không muốn nhận lại một làn da đen sạm, cháy nắng.
Không ăn quá no trước và sau khi bơi
Chỉ nên ăn nhẹ trước khi bơi với những thực phẩm chứa ít dinh dưỡng như một cốc smoothie, hoa quả tươi hay rau xanh. Và bữa ăn nên thực hiện trước khi bơi 1 tiếng và không ăn quá no.
Quá trình tập luyện bơi lội, các bộ phận của cơ thể đều sẽ phải vận động tiêu hao một lượng calo lớn. Nên sau khi bơi, bạn sẽ có cảm giác đói và cần nạp thêm năng lượng. Điều đó là cần thiết, nhưng hãy để cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn. Một bữa ăn nhẹ sau khi bơi 30 phút và bữa ăn chính với đầy đủ chất dinh dưỡng sau 2 tiếng là tốt nhất cho cơ thể.
Lưu ý khi đi bơi – Vệ sinh tai sau khi bơi
Bể bơi hay biển, bất kì môi trường nào cũng vậy. Không ai đảm bảo nước sẽ hoàn toàn là sạch sẽ, không có vi khuẩn. Mà tai là bộ phận dễ bị viêm nhiễm. Sau khi bơi xong, hãy nhớ chăm sóc và vệ sinh tai thật sạch sẽ, sử dụng dụng cụ để thấm lượng nước còn sót lại. Để đảm bảo an toàn hơn, sử dụng dung dịch chuyên dùng vệ sinh tai để hạn chế các bệnh viêm nhiễm.
Xem thêm:
- ĐỪNG VỘI ĐI BƠI NẾU NHƯ BẠN CHƯA BIẾT CÁCH KHỬ CLO SAU KHI ĐI BƠI
- “THUỘC LÒNG” 5 ĐỘNG TÁC HỌC BƠI CƠ BẢN CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU
Không xuống nước khi đổ mồ hôi
Nếu cơ thể đổ mồ hôi là thân nhiệt bạn đang cao hơn so với bình thường. Xuống hồ bơi ngay lúc này sẽ khiến cơ thể đột ngột thay đổi nhiệt độ, không kịp thích ứng. Dẫn đến bạn sẽ dễ bị cảm lạnh, thậm chí là ngất xỉu trong nước. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến “trúng nước” hay chết đuối nếu như không phát hiện kịp thời.
Những ai không nên học bơi?
Bơi lội là bộ môn rèn luyện sức khỏe và thư giãn rất tốt. Nó dành cho mọi lứa tuổi. Có một số bệnh đặc biệt cần phải tránh ở trong môi trường nước. Nếu bạn thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì cần lưu ý cân nhắc hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi học bơi.
- Người bị hen suyễn, mắc các bệnh về đường hô hấp: khi đi bơi, môi trường nước có nhiệt độ thấp hơn sẽ khiến bệnh của bạn trở nên nghiêm trọng hơn. Chưa kể các triệu chứng ho, khó thở, tức ngực là cản trở, có thể dẫn đến những tình huống xấu.
- Người bị các bệnh về tai: tai là bộ phận dễ bị viêm nhiễm. Nếu đang mắc các bệnh về tai như viêm tai giữa thì bơi lội không được khuyến khích cho bạn.
- Người bị đau mắt đỏ: những hóa chất dùng để làm sạch nước trong các bể bơi nhân tạo sẽ khiến đôi mắt của bạn bị viêm nhiễm, khiến bệnh không khỏi mà ngày càng nặng hơn. Có thể sử dụng kính bơi để bảo vệ đôi mắt. Tuy nhiên nên hạn chế đi bơi là tốt nhất.
- Người bị các bệnh ngoài da: những người bị viêm da; nấm; mụn nhọt không nên tiếp xúc với nước nhiều. Nó không những khiến bệnh của bạn nặng thêm mà còn có nguy cơ lây lan sang những người khác trong cùng môi trường với bạn. Đặc biệt là các bể bơi nhân tạo, nơi có số lượng lớn người bơi mỗi ngày.
- Phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt: trong những ngày này, chị em cần phải đặc biệt giữ vệ sinh sạch sẽ vùng kín để tránh vi khuẩn xâm nhập dẫn đến các bệnh phụ khoa. Môi trường nước sẽ là điều kiện thuận lợi để cho vi khuẩn phát triển vì thế không nên đi bơi trong những ngày kinh nguyệt.
Lời kết
Bơi lội rất tốt cho sức khỏe và sự phát triển thể chất. Tuy nhiên khi đi bơi vẫn luôn tồn tại những rủi ro, nguy hiểm xung quanh chúng ta. Hãy luôn ghi nhớ 6 lưu ý khi đi bơi này để đảm bảo an toàn cho bản thân nhé!