Môn phái Thiếu Sơn Phật Gia là một trong nhiều môn phái cổ truyền của dân tộc được lưu giữ tới nay. Chưởng môn sáng lập ra môn phái này là một chàng trai trẻ sinh ra tại vùng đất Quảng Bình. Thiếu Sơn Phật Gia được xem là một trong những niềm tự hào của người dân vùng đất Lệ Thủy, Quảng Bình.
Sáng lập môn phái Thiếu Sơn Phật Gia
1. Câu chuyện cuộc đời vị Chưởng môn Hoàng Đại Khoa
Vị Chưởng môn Hoàng Đại Khoa được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về giáo dục tại Lệ Thủy (Quảng Bình). Ông nội của ông là người Nho giáo và rất giỏi Kinh dịch; thông thạo Hán Nôm và là một thầy giỏi địa lý có tiếng trong vùng. Cha của ông là một thầy giáo và cán bộ công tác ở phòng giáo dục huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Mẹ là người vùng Hà Tĩnh, lên 13 tuổi thì mẹ mất sau đó theo cha vào Lệ Thủy sinh sống bằng nghề dệt vải.
Hoàng Đại Khoa sinh ngày 05/02/1955 (13/01 năm Ất Mùi) tại Lệ Thủy, Quảng Bình. Năm ông lên 2 tuổi, do khó nuôi nên ông được bố mẹ gửi cho ông bà nội nuôi giúp. Năm lên 17 tuổi, ông lên đường tham gia quân ngũ, tham gia vào đội quân kháng chiến chống Mỹ.
Sau 8 năm sống trong quân ngũ, ông đã trở về quê và đăng ký học tiếp THPT tại lớp 10/10 Trường phổ thông cấp 3 Lệ Thủy. Kết thúc khóa học, ông đỗ Thủ khoa tốt nghiệp THPT tỉnh Bình – Trị – Thiên niên khóa 1980 – 1981. Sau đó thi đỗ vào khoa sinh của Đại học Tổng hợp.
May mắn không mỉm cười với ông khi tiến hành cắt Amidal tại Bệnh viện Đống Đa thì xảy ra biến chứng. Ông phải nghỉ học suốt 2 năm và đi khắp các bệnh viện để chữa trị. Tài sản gia đình cũng bị bán đi theo những lần nhập viện của ông.
2. Quyết định sáng lập môn phái Thiếu Sơn Phật Gia
Sau khi khỏi bệnh, Hoàng Đại Khoa tiếp tục sự nghiệp học hành. Kinh tế gia đình khó khăn nên ông ban ngày thì đi học, tối thì đi dạy võ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tháng 6/1989, ông tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, được chuyển tiếp nghiên cứu sinh nhưng lại không có điều kiện học tiếp.
Sau đó ông đã quyết định từ bỏ con đường học hành để đi theo võ thuật. Võ phái Thiếu Sơn Phật Gia được ông sáng lập vào cuối tháng 6 năm 1989. Sau khi thành lập, môn phái được đông đảo các môn sinh ở khắp nơi theo học. Ông truyền bá võ phái này chủ yếu ở Hà Nội và Hải Phòng.
Tinh hoa võ thuật cổ truyền, niềm tự hào của người dân Quảng Bình
Sau một khoảng thời gian truyền dạy võ thuật ở bên ngoài, ông đã đem Thiếu Sơn Phật Gia về lại quê hương Lệ Thủy. Bởi ông mong muốn bảo tồn những tinh hoa võ thuật và bài thuốc gia truyền của quê hương. Về tới đây, ông đã thành lập ra võ đường Lệ Giang. Khóa đầu tiên chỉ có đúng 12 môn sinh, sau này số lượng đã tăng lên.
Người dân vùng Lệ Thủy, Quảng Bình luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc tới Thiếu Sơn Phật Gia và võ đường Lệ Giang. Hằng năm, tại nơi đây vẫn thường tổ chức ngày hội võ thuật cổ truyền. Rất nhiều phái võ tại đây đều quy tụ về và thi tài với nhau. Đây là một hoạt động được tỏ chức thường niên. Mục đích của ngày hội này để rèn luyện sức khỏe cho thế hệ trẻ; đồng thời lưu giữ và nêu cao tinh thần thượng võ cha ông để lại. Những du khách tới đây vào mùa Xuân chắc chắn sẽ được tham dự ngày hội này; được chiêm ngưỡng những màn võ thuật đặc sắc từ các môn phái.
Lời kết
Chính nhờ những hoạt động võ thuật giống như của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã giúp võ thuật cổ truyền Việt Nam nói chung; môn phái Thiếu Sơn Phật Gia nói riêng được gìn giữ và phát huy. Hằng năm, vùng đất này cũng cung cấp cho đội tuyển võ thuật quốc gia nhiều VĐV chất lượng, đem lại giải thưởng cao trong các cuộc thi đấu quốc tế.