Hồng Quyền Chu Gia là một môn phái được bắt nguồn từ hệ phái võ Thiếu Lâm. Người có công sáng tạo ra môn phái này đó là võ sư Chu Há – một trong 3 môn sinh của võ sư Tô Tử Quang. Môn phái này nổi tiếng với nhiều bài quyền với tên gọi rất lạ nhưng lại gần gũi và mang đậm bản sắc người Việt.
Lịch sử ra đời của môn phái Hồng Quyền Chu Gia
1. Nguồn gốc của võ phái
Hồng Quyền Chu Gia bắt nguồn từ hệ phái võ Thiếu Lâm. Đó chính là môn phái Thiếu Lâm – Hồng Gia Quyền. Tương truyền, người có công truyền bá Thiếu Lâm – Hồng Gia vào Hà Nội là võ sư Tô Tử Quang. Cụ có tên gọi khác là cụ Sú tàu bởi cụ là một võ sư người Trung Quốc sinh ra trong một gia đình có 8 đời theo nghiệp võ.
Năm 18 tuổi, cụ đã giành giải Nhì trong một cuộc thi võ của tỉnh Quảng Tây và được mệnh danh là “thần đồng võ thuật”. Năm 1954, cụ sang Việt Nam sinh sống. Với vốn võ thuật của mình, cụ thường xuyên tham gia các cuộc biểu diễn võ thuật, đạt nhiều giải thưởng cao. Từ đó võ sư Tô Tử Quang đã trở thành đại diện võ phái Thiếu Lâm Hồng Gia Quyền của người Hoa tại Hà Nội.
Năm 1963, cụ bắt đầu truyền bá võ thuật rộng rãi nhưng chỉ trong phạm vi hẹp. Đa phần môn sinh là người Hoa. Cụ có 3 người học trò đó là: Làm Ốn Và, Voòng Sìu Khoóng, Chu Há là 3 đệ tử xuất sắc nhất.
2. Người sáng tạo ra Hồng Quyền Chu Gia
Võ sư Chu Há là một môn sinh giỏi của võ sư Tô Tử Quang. Ông cũng chính là người có công sáng tạo ra môn phái Hồng Quyền Chu Gia. Võ sư Chu Há cho biết, tuy môn võ này có bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng ông đã biến hóa; chuyển đổi kỹ thuật cổ truyền để gần với cuộc sống hiện tại.
Khi vào quân ngũ, ông vừa hành quân cùng đồng đội lại vừa nghĩ ra các thế đánh và tự mình luyện tập. Ông thường tự hình dung ra các kỹ thuật ở trong đầu rồi tự né đòn trong lúc di chuyển. Kết thúc quân ngũ, võ sư Chu Há đã quan sát thêm những hoạt động sinh hoạt đời sống thường ngày để phát triển các kỹ thuật gần gũi với người Việt.
Những bài quyền “dị” nhưng gắn liền với đời sống hàng ngày của nhà nông
Những bài quyền và binh khí tập luyện của Hồng Quyền Chu Gia được đánh giá là khá “dị”. Đó đều là những loại dụng cụ cực kỳ gần gũi với nhà nông như: cuốc, xẻng, gậy, chổi; đinh ba và cả điếu cày. Từ những loại dụng cụ này ông đã sáng tại nên các bài quyền độc và lạ như:
- Võ xẻng thì gọi là “Tầm nã xẻng”
- Võ chổi thì gọi là “Đàn chổi công”
- Võ cuốc sẽ gọi là “Quỷ cuốc thần sầu”
- Điếu cày sẽ được gọi với tên “Nhất điếu phiêu linh”
Giải thích nguyên nhân, võ sư Chu Hà cho rằng cuốc, xẻng; điếu cày đều là những vật dụng gần gũi với nhà nông; thế nhưng khi đưa vào võ thuật sẽ tạo nên được những đòn thế riêng của nó. Ngoài ra, võ sư còn cho rằng khởi nguồn của võ thuật chính là từ những hoạt động đời sống hàng ngày nhưng ông đã phát triển nó thành các chiêu thức.
Ví dụ như bài “Quỷ cuốc thần sầu” thì miêu tả động tác người nông dân đâng cuốc đất, đập đất. Bài “Nhất điếu phiêu linh” thì miêu tả trạng thái say thuốc lào của một lão nông giải lao trong lúc làm đồng vất vả.
Lời kết
Mặc dù có rất nhiều bài quyền thuật “dị” như vậy nhưng những môn sinh lần đàu nhìn thấy đều rất muốn học. Thế nhưng để luyện tập được thì môn sinh phải là người tập võ lâu năm. Môn sinh cần phải nắm chắc Thủ Pháp, Nhãn Pháp; Thân Pháp; Bộ Pháp rồi mới đi vào luyện tập binh khí được. Làm như vậy thì người học võ mới không bị mất gốc; mới giữ được cái hồn, cái cốt của Hồng Quyền Gia.