Nam Hồng Sơn là môn phái được kết hợp hoàn hảo giữa tinh hoa võ thuật Trung Quốc và võ cổ truyền Việt Nam. Võ phái Nam Hồng Sơn được đánh giá là một trong những môn võ hay nhất của võ cổ truyền. Trải qua khoảng thời gian 100 năm, môn phái đã và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Lịch sử môn phái Nam Hồng Sơn
1. Cuộc đời về tổ sư sáng lập môn phái
Tổ sư sáng lập ra môn phái Nam Hồng Sơn là cụ Nguyễn Nguyên Tộ, hay còn gọi là cụ Sáu Tộ. Cụ là con thứ 6 của cụ Nguyễn Khoát. Được sinh ra trong một gia đình thương gia, cộng thêm việc đam mê võ thuật nên từ nhỏ cụ đã theo học võ của các võ sư từng dự thi kỳ thi võ của triều Nguyễn.
Năm lên 14 tuổi, gia đình bị một bọn cướp tấn công và lấy hết tài sản, cụ Tộ cũng bị bọn chúng đánh đến thập tử nhất sinh. Vì quá căm phẫn với bọn cướp và mong muốn học võ thuật để bảo vệ bản thân và gia đình, cụ đã xin cha mẹ lên Hà Nội để sống với anh trai. Tại đây, cụ vừa đi làm để kiếm tiền vừa theo học võ của các võ sư người Hoa. Môn phái Thiếu Lâm Nam Phái là môn võ đầu tiên mà cụ học. Vì thời ấy Pháp cấm hết mọi hoạt động dạy và học võ nên quá trình học tập gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng cụ vẫn quyết tâm theo học đến cùng.
2. Sự ra đời và ý nghĩa sau ẩn sâu của tên gọi Nam Hồng Sơn
Sau 10 năm học võ Trung cụ nghĩ mình cũng cần tìm hiểu thêm về võ cổ truyền dân tộc nên đã nhờ người giới thiệu tới “Tam nhật” của võ Việt. Đó chính là 3 cụ Ba Cát, Cử Tốn và Hàn Bái. Sau một thời gian qua lại, cụ Tộ được các cụ quí mến và đã nhận làm anh em kết nghĩa và là em út.
Sau khoảng thời gian được 3 anh truyền dạy võ Ta, cụ Tộ đã nắm được tinh hoa của nhiều dòng võ Việt, cụ quyết định kết hợp 2 dòng võ Trung và Việt đã được học để làm đa dạng võ thuật, nâng cao hiệu quả chiến đấu. Năm 1920 võ phái Nam Hồng Sơn đã được ra đời. Theo cụ Tộ, cái tên này được đặt với ý nghĩa:
- Nam: có nghĩa là võ Việt Nam
- Hồng: chính là võ phái Thiếu Lâm Hồng Gia
- Sơn: ý chỉ bề thế của môn phái giống như một ngọn núi hùng vĩ
Điểm đặc biệt của môn phái này đó là được kết hợp giữa võ Việt Nam và võ Thiếu Lâm Hồng Gia của Trung Quốc. Võ phái Nam Hồng Sơn còn tự hào khi quá trình phát triển của võ phái cũng gắn liền với từng thời kỳ phát triển của đất nước.
3. Hệ thống kỹ thuật và quá trình đào tạo môn sinh của võ phái
Sau khi cụ Sáu Tộ qua đời, vị trí trưởng môn phái do con trai trưởng của cụ là võ sư Nguyễn Văn Tỵ đảm nhiệm. Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cụ phải tạm gác lại võ thuật và trở thành giảng viên dạy guitar. Năm 1984, phong trào võ thuật Thủ đô được khôi phục, cụ đã truyền bá Nam Hồng Sơn tới nhiều thế hệ thanh niên trong khu vực.
Về kỹ thuật, bên cạnh sự kết hợp của 2 tinh hoa võ thuật trên, võ phái Nam Hồng Sơn còn giữ được một số bài võ cổ của kỳ thi võ triều Nguyễn. Chương trình giảng dạy môn sinh được giữ nguyên như khi cụ Sáu Tộ còn sống. Tức trong vòng 3 năm đầu tiên, các môn sinh sẽ được tập trung vào tập luyện võ thuật Trung Hoa với các bài: Tấn pháp, đòn thế và 9 bài quyền. Sau 3 năm đầu, môn sinh sẽ được chuyển sang học võ Việt Nam; kết hợp với tập luyện khí công và nội công.
100 năm vang bóng trong làng võ Việt Nam của võ phái Nam Hồng Sơn
Hiện nay, đây là một trong những môn phái võ Việt Nam được nhiều người học và là nơi cung cấp cho đội tuyển Quốc gia những nhân tài thể thao để đi tranh tài trên Thế giới. Thế nhưng ít ai biết rằng để đạt được những thành tựu như vậy thì môn phái đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm.
Khởi đầu môn phái đầy khó khăn
Thời gian đầu mới hình thành, võ phái còn gặp nhiều khó khăn vì bị cấm đoán hoạt động lò võ. Bên cạnh đó là tình hình chiến tranh trong nước ngày càng phức tạp nên cụ Tộ cũng khó có thể chèo lái môn phái phát triển ổn định.
Vào thời điểm các cuộc khởi nghĩa bùng nổ, những võ sư hàng đầu của môn phái như cụ Nhâm Đen; cụ Mười Đen; cụ Sửu; cụ Ba Hồ;… phải tạm gác lại việc ở lò võ để lên đường tham gia cách mạng khiến nhân lực bị thiếu hụt trầm trọng.
Những năm 1960 – 1962, cụ võ sư Tộ lúc này do tuổi cao nên đã lui về dạy võ tại những lò võ do Bộ Giáo dục mở cho toàn miền Bắc. Năm 1964, khi tình hình đất nước tạm ổn định, các lò võ mới được hoạt động trở lại. Lúc này, Nam Hồng Sơn cũng đã có dịp phát triển nhưng đã không còn những võ sư lão luyện làm chủ chốt. Và phải đến tận giai đoạn 1990 – 1996 mới là thời kỳ phát triển đỉnh cao nhất của võ phái Nam Hồng Sơn. Các lò võ do các môn sinh cũ của cụ Tổ lần lượt mở ra và chiêu mộ được tới trên 1000 môn sinh theo học.
Trở thành một trong những võ phái lớn mạnh nhất Việt Nam
Hiện nay, môn phái đã có một lượng môn sinh theo học rất đông đảo. Số lượng môn sinh lên tới hàng ngàn em, đa dạng độ tuổi.
Được Sở TDTT và Hội võ thuật Hà Nội giúp đỡ, môn phái Nam Hồng Sơn ngày càng khởi sắc. Ngoài các võ đường được mở tại nhà văn hóa; trung tâm thể dục thể thao quận, huyện võ đường Nam Hồng Sơn còn được thành lập ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Các CLB võ phái còn được thành lập ở nước ngoài để quảng bá võ thuật cổ truyền Việt Nam ra thế giới.
Trong nhiều cuộc thi võ thuật, môn phái Nam Hồng Sơn luôn mang tới những tiết mục đặc sắc, hấp dẫn. Vì vậy môn phái luôn được xếp thứ hạng cao. Các môn sinh luôn giành được nhiều huy chương vàng, bạc, đồng. Một số môn sinh nổi bật như: Thu Hương; Hồng Hải; Thanh Loan;… đều giành được nhiều giải thưởng cao khi thi đấu tại các kỳ SEA Games.
Tính đến năm 2020, môn phái Nam Hồng Sơn đã thành lập được 100 năm. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của môn phái. Đồng thời khẳng định vị thế của Nam Hồng Sơn trong hệ thống võ thuật nước nhà.
Lời kết
Môn phái Nam Hồng Sơn đã có rất nhiều đóng góp vào hệ thống võ thuật cổ truyền Việt Nam. Những môn sinh của môn phái còn làm rạng danh Việt Nam trên các đấu trường thể thao quốc tế. Các võ đường Nam Hồng Sơn chính là các nôi để ươm mầm các thiên tài về thể thao; là địa chỉ tập võ rèn luyện sức khỏe uy tín.