Trong hệ thống kỹ thuật cơ bản của Muay Thái, hệ thống đòn gối có số lượng nhiều thứ 2 với 8 đòn. Nó xếp sau số đòn đá và nhiều hơn số đòn đấm. Do cấu trúc cơ thể, gối là một bộ phận sinh ra lực tấn công rất mạnh nhưng lại rất kém linh hoạt. Dù vậy người Thái với sự thông minh của mình đã sáng tạo ra 8 kiểu đòn gối. Vậy các đòn gối trong Muay Thái có gì khác nhau? Dưới đây là cách thực hiện chi tiết 8 đòn gối của Muay Thái.
Straight Knee Strike – Gối thẳng – Kỹ thuật gối cơ bản nhất trong Muay Thái
Straight Knee Strike hay còn gọi là đòn gối thẳng. Đòn đánh này sử dụng phần xương đùi và đầu gối như một chiếc gậy để đâm thẳng vào bụng đối thủ. Điểm tiếp xúc là chính giữa của xương bánh chè. Đẩy hông về phía trước rất quan trọng khi thực hiện tư thế này, bởi nó giúp tiếp thêm phần lớn lực cho đòn đánh.
Thực hiện đồng thời các động tác sau:
1.Chân: Rút gối sau lên, hướng thẳng đầu gối vào mục tiêu. Nếu là người mới tập hãy chọn mục tiêu dễ dàng là bụng. Đẩy cơ thể về phía mũi chân, gót chân trụ kiễng.
2. Hông: Đẩy hông về phía mục tiêu. Phân thân trên lúc này ngửa ra phía sau nhưng hãy giữ cho phần đầu về phía trước để giữ thăng bằng. Phải cảm thấy phần cổ bị bị kéo căng.
3. Tay bên phía chân trụ thủ mặt, tay còn lại duỗi thẳng tưởng tượng như đang kéo đối thủ về phía mình. Cũng có thể dùng cả hai tay để thực hiện clinch. Kéo đối thủ về phía mình là điều rất quan trọng. Nó giúp cho lực tác động cộng vào mạnh hơn.
Diagonal Knee Strike – Gối chéo
Khi thực hiện đòn đá vòng cầu, chúng ta cần một khoảng cách đủ để phần cẳng chân tiếp xúc vào cơ thể của đối thủ. Tuy nhiên sẽ xảy ra trường hợp khoảng cách gần mà khi đá phần tiếp xúc là đầu gối. Vậy thay vì đá, hãy sử dụng Diagonal Knee Strike.
Giống như cách đá vòng cầu:
1.Chân: Mở chân trụ góc 90 độ. Gập cẳng chân sau về gần mông. Sử dụng xương cẳng chân và đầu gối như một chiếc gậy đâm chéo vào mạn sườn của đối thủ. Điểm tiếp xúc là cạnh ngoài xương bánh chè.
2. Tay: Tay sau chúng ta đánh ra sau lưng như khi thực hiện đòn đá để giữ thăng bằng.
Curving Knee Strike
Curving Knee Strike hay còn gọi là đòn gối cong. Các bước thực hiện đòn đá này khá giống với Diagonal Knee Strike nhưng vẫn có sự khác biệt. Đòn gối cong sử dụng phần xương đùi và cạnh trên của xương bánh chè quật ngang vào phần thân dưới hoặc đầu đối thủ.
Thực hiện đồng thời các động tác sau:
1.Chân: Chân sau khi rút gối, động tác này có xu hướng sang ngang, vuông góc với mục tiêu (tức là gối ở bên mang tai). Sau đó nâng phần bàn chân lên cao, cẳng chân gần như song song với mặt sàn. Sau đó mở chân trụ góc 90 độ. Đây là điểm khác biệt: Nếu Diagonal Knee Strike có hướng tấn công chéo từ dưới lên thì Curving Knee Strike sẽ tấn công từ ngoài vào trong.
2.Hông: Cùng lúc nâng cẳng chân thì xoay hông để tạo lực cho phần mặt trên xương đùi và xương bánh chè quật vào mục tiêu.
3 Tay: Tay đánh ra sau tương tự như Diagonal Knee Strike.
Horizontal Knee Strike – Kỹ thuật khác biệt nhất so với các đòn gối khác trong Muay Thái
Horizontal Knee Strike sử dụng nhiều phần đầu của cẳng chân hơn là vì dùng cạnh trước của đầu gối. Chúng ta có thể hình dung khi đối thủ đứng thủ 45 độ. Chỉ cần một động tác nghiêng người cũng có thể thoát khỏi những đòn gối bên trên. Vì vậy Horizontal Knee Strike được sử dụng với diện tích tấn công rộng. Khi đối thủ xoay hông vẫn có thể dính chấn thương của đòn đánh.
Cách thực hiện khá giống như đòn gối chéo:
1. Chân: Mở chân trụ góc 90 độ. Gập cẳng chân sau về gần mông. Sử dụng xương cẳng chân và cạnh trước đầu gối như một chiếc gậy quật chéo vào bụng đối thủ. Bàn chân hơi nâng cao lên như đòn Curving Knee Strike.
2. Hông: Vừa có xu hướng xoay của đòn đá, vừa có xu hướng đẩy về phía trước như đòn Straight Knee Strike.
3.Tay thường được sử dụng để clinch đối thủ.
Trong giới hạn bài viết này Kickfit Sports đã đề cập đến 4 đòn gối trong Muay Thái. Các đòn gối trong Muay Thái còn lại sẽ được đề cập trong bài viết: Luyện tập các kỹ thuật nâng cao của đòn gối trong Muay Thái