Võ sư Trần Tiến là trưởng môn phái Thiếu Lâm Nội Gia Quyền. Ông là một người rất am hiểu và tinh thông nhiều võ thuật khác nhau. Ngay cả những võ sĩ nước ngoài nổi danh như Tiểu Lâm Xung có khả năng đấm vỡ tấm gỗ dày 5 phân cũng bị hạ gục chỉ với 1 cước.
Đệ nhất cao thủ làng võ Việt Nam
Võ sư Trần Tiến (1911 – 2011) là một vị tông sư võ thuật Việt Nam. Nếu để xếp thứ tự các võ sư hàng đầu của Việt Nam ở thế kỷ 20 thì võ sư Trần Tiến xứng đáng được xếp ở vị trí đầu tiên. Võ sư Phan Dương Bình là một cao đồ của môn phái Vovinam và Vịnh Xuân Quyền cũng đã công nhận Trần Tiến xứng đáng với vị trí “đệ nhất cao thủ làng võ”.
Sinh thời võ sư Trần Tiến mang họ Hoàng. Ông nội là Hoàng Hảo và cha là Hoàng Tân đã từng tham gia vào khởi nghĩa Yên Thế. Tuy nhiên, sau khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp cả gia đình ông đã đổi họ và lui về Đồ Sơn (Hải Phòng) để ở ẩn. Võ sư Trần Tiến cũng được làm lại giấy khai sinh khác lấy ngày sinh là 4/2/1913.
Được sinh ra trong gia đình có truyền thống về võ thuật nên ông đã học võ từ khi lên 10. Khi tới năm 15 tuổi, ông theo võ sư Lý Giang Nam học võ (người Phúc Kiến, TQ lánh nạn tại Hải Phòng). Nhận thấy đồ đệ có thiên chất về võ thuật nên võ sư Lý đã truyền hết kỹ thuật Thiếu Lâm Nội Gia cho ông. Chỉ sau 5 năm theo học, Trần Tiến đã thành thạo toàn bộ những gì mà sư phụ dạy. Ngoài võ thuật, ông còn học được cả y thuật và võ đức của thầy.
Khi sư phụ trở về Trung Quốc thì ông cũng tiếp tục theo học thêm các môn võ khác. Ông học Nhu thuật, Judo, quyền Anh. Qua quá trình khổ luyện, ông đã trở thành một cao thủ võ lâm.
Hạ gục Tiểu Lâm Xung chỉ với một quyền cước
Với việc tinh thông nhiều võ nghệ nên võ sư Trần Tiến thường hay tham gia các cuộc thi đấu võ thuật. Năm 24 tuổi, ông đã giành chức vô địch kiếm thuật Bắc Kỳ.
Chưa chịu dừng lại, ông liên tục tham gia các cuộc thượng đài và đánh gục nhiều đối thủ tại Thái Lan, Philippines; Malaysia, Myanmar, Singapore.
Đặc biệt, trong trận thi đấu tại Singapore, võ sư Thiếu Lâm Nội Gia Quyền đã thi đấu với võ sĩ tên Tiểu Lâm Xung. Người này nổi danh là có bàn tay mạnh danh là “thiết thủ” có thể đấm vỡ được tấm gỗ dày 5 phân. Ngoài ra còn có sở trường đưa ngực, bụng để chịu những cú tấn công mà không xi – nhê gì.
Mỗi khi đối thủ tung ra hổ quyền thì Trần Tiến lại dùng hầu quyền để đánh. Đối thủ đánh bằng xà quyền thì ông lại phản công bằng hạc quyền. Liên tiếp 4 hiệp đấu trôi qua nhưng Trần Tiến vẫn chưa tấn công được đối thủ nhiều. Tiểu Lâm Xung thì càng đánh càng hăng và để ra nhiều sơ hở. Nhân cơ hội này Trần Tiến đã trườn người nhập nội như rắn và bật ngược lên tung ra cú “xà vương phún khí” vào hạ bộ của đối thủ. Ngay lập tức, Tiểu Lâm Xung ngã bất tỉnh ra đất, trọng tài đã cầm tay Trần Tiến và tuyên bố chiến thắng
Để giành được chiến thắng như vậy võ sư chia sẻ rằng cần phải nắm được sở trường; sở đoảng của đối thủ. Từ đó có thể nhanh nhạy trong việc đưa tra các đòn thế để khắc chế và hạ gục nhanh chóng.
Người sáng lập ra Thiếu Lâm Nội Gia Quyền
Sau khi về nước, năm 1945 ông đã tham gia cách mạng. Khi vào quân ngũ ông đã tham gia huấn luyện võ thuật cho lực lượng bộ đội tinh nhuệ; sau này chính là bộ đội đặc công. Năm 1978, ông rời quân ngũ. Thế nhưng ông vẫn tiếp tục dạy võ cho một số sĩ quan Campuchia.
Sau đó, sẵn có vốn liếng võ thuât trong người, ông đã sáng lập ra võ phái Thiếu Lâm Nội Gia Quyền. Võ phái của ông thu hút ngàn hàng môn sinh theo học. Trong đó có nhiều môn sinh người nước ngoài nghe danh và tìm tới xin học. Trong suốt cuộc đời mình ông đã đào tạo ra nhiều HLV; võ sư tài năng cho làng võ Việt Nam.
Lời kết
Với nhiều đóng góp cho nền võ thuật, võ sư Trần Tiến đã được trao tặng HCV danh dự. Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban TDTT trao tặng Huy chương vì sự nghiệp thể thao. Ngày 21/2/2011 võ sư đã qua đời tại Bệnh Viện Chợ Rẫy TP. HCM; hưởng thọ 101 tuổi. Dù sự ra đi này là mất mát lớn nhưng tên tuổi của ông vẫn còn mãi. Cố đại võ sư của Thiếu Lâm Nội Gia Quyền chính là cây đại thụ cho thế hệ trẻ noi theo.