Lam Sơn Căn Bản là một môn võ cổ truyền Việt Nam bắt nguồn từ vùng đất Thanh Hóa. Võ phái này mang đậm bản sắc võ cổ truyền dân tộc. Đặc biệt là tinh hoa của 5 gia phái võ thuật nổi tiếng nhất Thanh Hóa. Môn phái này còn có những bài huấn luyện môn sinh cực kỳ độc lạ nhưng lại rèn luyện được tính kiên nhẫn cho người tập.
Nguồn gốc, lịch sử hình thành Lam Sơn Căn Bản
1. Lịch sử thành lập môn phái Lam Sơn Căn Bản
Lam Sơn Căn Bản được thành lập dựa trên quá trình tổng hợp tinh hoa võ thuật gia truyền của 5 gia phái ở các vùng như: Băng Sơn, Phú Khê, Trung Hà, Trinh Nga (Hoằng Hóa), Phú Điền (Hậu Lộc) của Thanh Hóa. Đây là 5 vùng có truyền thống võ thuật lâu đời nổi tiếng trong tỉnh.
Vào ngày 6/6/1946, tại đình làng Trung Hà (Hoằng Hóa) đã diễn ra buổi lễ thành lập môn phái. Có mặt tại buổi lễ khai môn chỉ gồm có 7 người. Họ chính là người đại diện cho 5 gia phái và cùng thống nhất đặt tên cho môn phái mới này là Lam Sơn Căn Bản với ý nghĩa phát huy truyền thống võ thuật lâu đời của quê hương.
Địa điểm diễn ra buổi lễ thành lập môn phái là đình làng Trung Hà. Đây cũng chính là nơi mà xưa kia tướng quân Dương Đình Nghệ đóng quân; đồng thời nổi tiếng với bài múa kiếm dưới mưa nhưng không ướt sân.
Vị trưởng môn phái đầu tiên là võ sư Phi Hùng, ông là người thuộc Hải Hưng và cũng là người đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập môn phái. Tới năm 1947, võ sư Hà Định đã kế nhiệm vị trí trưởng môn phái đời thứ 2 và cũng là vị trưởng môn cuối cùng. Hiện tại, theo như tìm hiểu thì môn phái này đã thất truyền trưởng môn.
2. Chủ trương tập luyện
- Chủ trương tập luyện của môn phái Lam Sơn Căn Bản trước tiên là để rèn luyện sức khỏe, cho một thân thể cường tráng; rèn luyện sự nhanh nhạy, tinh anh; trở thành người dũng cảm, hào hiệp; bảo vệ người yếu thế.
- Có lòng quảng đại, hông kiêu ngạo, luôn lấy đức độ tôn trọng việc nghĩa; khiêm tốn lễ phép với mọi người; chấp hành nghiêm túc pháp luật.
Điểm độc đáo trong rèn luyện môn sinh
Môn phái Lam Sơn Căn Bản là một môn phái có cách rèn luyện môn sinh cực kỳ độc đáo. Các môn sinh của võ phái sẽ được chia thành 2 giai đoạn luyện tập. Đầu tiên là giai đoạn nhập môn, tiếp đó là giai đoạn chính thức tập luyện. Trong đó giai đoạn nhập môn là độc đáo nhất.
1. Giai đoạn nhập môn
Ở giai đoạn này, các môn sinh sẽ được làm quen với quá trình tập luyện là chủ yếu. Khoảng thời gian đầu sẽ là dùng xẻng để xúc cát từ đống này sang đống kia. Mục đích là để rèn luyện thể lực, đồng thời luyện tập bài tấn đầu tiên là đinh tấn.
Bài tập thứ hai sẽ là dùng rìu sắt để bổ củi. Các môn sinh sẽ phải dùng một chân để giữ chặt đoạn gỗ và dùng hai tay hạ rìu để bổ dọc khúc củi. Mục đích của bài tập này là để tăng cường thể lực, đồng thời luyện đứng tấn vững hơn.
Sau khi tập luyện hết giai đoạn này, nếu các môn sinh vẫn còn cảm thấy hứng thú với môn phái thì sẽ chính thức được nhận vào học.
2. Giai đoạn chính thức luyện tập
Bước vào giai đoạn luyện tập chính thức, môn sinh sẽ được học theo hệ thống quyền cước của môn phái. Bao gồm các bài: Quyền pháp (28 bài); kiếm thuật (5 bộ); đao pháp ( 5 bài); côn pháp (5 bài); Thăng long đệ nhất kiếm ( một bài kiếm cổ truyền Việt Nam ngoại phái).
Hệ thống cấp bậc của Lam Sơn Căn Bản
Hệ thống đai đăng của Lam Sơn Căn Bản được dựa theo sự phân hạng chung của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Cụ thể sẽ được chia thành 4 màu đai với 4 bậc từ thấp tới cao:
- Nhập môn là huyền đai (đai đen) rồi lên nhất đẳng huyền đai (đai đen 1 vạch) (đai đen có nhiều nhất là 4 vạch)
- Nhất đẳng đai xanh: đai xanh 1 vạch (đai xanh có nhiều nhất 4 vạch)
- Cao hơn đai xanh là hoàng đai: đai vàng
- Tiếp theo đến hồng đai: đai đỏ (đai đỏ cao nhất chỉ có 3 vạch)
- Bạch đai: Dành cho võ sư
- Đai trắng có viền vàng: Dành cho võ sư trưởng môn.
Sự ra đời của Lam Sơn Căn Bản đã làm đa dạng thêm hệ thống võ thuật cổ truyền Việt Nam nói chung và là niềm tự hào của vùng đất Thanh Hóa nói riêng. Đây là môn võ rất hay cần phải được bảo tồn và phát triển.