Đấm thẳng là kỹ thuật cơ bản và quan trọng trong rất nhiều môn võ. Đấm thẳng bao gồm hai kỹ thuật tay trước và tay sau. Hai kỹ thuật chiến đấu này đơn giản nhưng đem lại rất nhiều hiệu quả bởi ưu điểm về tốc độ, lực và sự linh hoạt. Mặc dù là kỹ thuật đơn giản nhưng việc đấm hụt, chấn thương khớp lại xảy ra rất phổ biến. Đặc biệt những người có thể chất tốt lại là đối tượng dễ gặp chấn thương nhất khi luyện tập kỹ thuật đấm thẳng. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì? Cách khắc phục như thế nào? Chúng ta cùng đi tìm hiểu tại bài viết này.
Những điều cơ bản về kỹ thuật đấm thẳng
Đấm thẳng là kỹ thuật cơ bản trong các môn võ như Boxing, Muay Thái, Karate, võ cổ truyền…Bao gồm hai kỹ thuật là tay trước và tay sau. Các tên gọi khác bao gồm Jab – Straight, đòn 1 – 2…
Kỹ thuật đấm thẳng tay trước
Đây là kỹ thuật có tần suất sử dụng rất lớn trong các môn võ như Boxing, Karate…có thể chiếm tới 90% tổng số đòn đánh trong một trận đấu. Kỹ thuật tay trước là một đòn đánh thiên về tốc độ và sự linh hoạt. Khả năng sinh ra lực của đòn đấm này là rất thấp vì vậy nó thường được sử dụng làm các đòn thăm dò, quấy nhiễu, đánh lừa đối thủ.
Lực phát ra của đòn đánh này thấp nhưng không có nghĩa nó an toàn. Để đánh lừa được đối thủ người thực hiện đòn tay trước phải thực hiện đòn lừa giống như thật và bất kỳ lúc nào cũng có thể biến nó thành đòn tấn công thật. Huyền thoại Boxing Muhammad Ali là ví dụ điển hình cho đòn tay trước có khả năng knockout đối thủ. Điều đó cho thấy lực đánh của đòn tay trước tuy thấp nhưng vẫn có thể dẫn tới chấn thương cho chính người tập. Ở đây bao gồm chấn thương khớp cổ tay và khớp vai.
Tình trạng diễn ra nhiều nhất là chệch khớp vai. Lý do là bởi khoảng cách khi thực hiện đòn đánh không chính xác. Khi thực hiện đòn tay trước người ra đòn cần phải đứng ở một vị trí vừa để tay trước duỗi thẳng, thân người thẳng. Nếu khoảng cách xa hơn hoặc gần hơn cần phải di chuyển lên xuống hoặc sang hai bên để vừa đủ khoảng cách. Khi khoảng cách xa hơn và người thực hiện cố gắng với tay ra sẽ dẫn đến khớp vai bị kéo dãn ra khỏi vị trí ban đầu (tức bị lệch).
Kỹ thuật đấm thẳng tay sau
Tay sau là một đòn đánh có lực mạnh có thể dẫn đến chệch cổ tay và khớp vai rất lớn. Đầu tiên ở phần cổ tay chúng ta cần hiểu rằng khi thực hiện đòn đấm một lực lớn sẽ dồn ngược lại cơ thể chúng ta (trực tiếp là cánh tay và khớp vai). Khi đấm phần xương ngón giữa và ngón trỏ ở mu bàn sẽ nối với xương cánh tay tạo thành một đường thẳng. Lúc này các khớp là khu vực yếu nhất bị lực dồn vào rất dễ chấn thương. Đó là chưa kể khu vực cổ tay của chúng ta không thẳng, khi đấm người tập phải biết cách hạ cho mu bàn tay và cẳng tay tạo thành một đường thẳng mới tránh được chấn thương.
Tình trạng lệch khớp vai do đấm hụt cũng diễn ra phổ biến trong đòn đánh này và lý do tương tự như đòn đấm thẳng tay trước. Tuy nhiên tỷ lệ chệch khớp vai của đòn tay sau là cao hơn bởi lực của tay sau sinh ra lớn hơn tay trước.
Tóm lại, kỹ thuật chưa hoàn thiện mới chính là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến tình trạng đấm hụt, chệch khớp vai, cổ tay.
Làm thế nào để không bị đấm hút hoặc chệch khớp vai?
- Để không bị đấm hụt điều quan trọng nhất là chúng ta cần học cách kiểm soát bản thân. Không để bản thân cuốn vào tình trạng tham đấm nhanh, đấm mạnh. Khi chúng ta mất kiểm soát bản thân thì khả năng kiểm soát khoảng cách bị hạn chế. Ngay khi thấy bản thân bị mất khoảng cách hãy lùi về sâu để bắt đầu lại.
- Đầu tư nhiều hơn cho việc tập luyện kỹ thuật đấm gió thay vì vội vàng đấm bao cát, đấm dây đàn hồi…
- Tập luyện các bài tập bổ trợ cho cổ tay và vai như chống đẩy bằng nắm đấm là một bài tập vô cùng phổ biến.